Chương trình tuần

F0 test nhanh một vạch liệu đã an toàn?

16/03/2022
220
Với diễn biến bệnh phức tạp do SARS-CoV-2 gây ra, việc test nhanh âm tính và hết triệu chứng chưa phải yếu tố khẳng định người bệnh đã an toàn.

Trong bối cảnh nCoV đã lây lan rộng rãi trên khắp cả nước, số ca mắc Covid-19 lên đến hàng trăm nghìn trường hợp mỗi ngày, nhiều người bắt đầu có tâm lý chủ quan và coi việc nhiễm SARS-CoV-2 trở thành điều đương nhiên, chỉ là “sớm hay muộn”. Vì vậy, việc cách ly khi mắc Covid-19 hay theo dõi tình hình sức khỏe phần nào bị xem nhẹ.

Cần theo dõi sức khỏe trong 10 ngày

Nhiều bệnh nhân Covid-19 hiện nay hết triệu chứng chỉ sau 4-5 ngày, thậm chí 2-3 ngày.

Những người này cũng có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV sớm và cho tự cho rằng bản thân đã khỏi bệnh, từ đó thoải mái trở lại sinh hoạt, làm việc. Tuy nhiên, quan điểm này chưa chính xác.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh sau 10 ngày kể từ thời điểm khởi phát triệu chứng đầu tiên, bệnh nhân Covid-19 mới được coi là an toàn.

Nguyên nhân đầu tiên là việc test nhanh cho kết quả âm tính chưa thể khẳng định cơ thể đã sạch virus.

Nếu độ nhạy của test không cao hoặc việc lấy mẫu không đúng quy trình cũng như kỹ thuật, sai vị trí, kit test sẽ không hiển thị kết quả chính xác.

Thứ hai, trong trường hợp test nhạy, người lấy mẫu làm đúng và cho kết quả âm tính, việc cơ thể hết virus cũng không đồng nghĩa bệnh sẽ không diễn biến nặng trong thời gian sau đó.

Cụ thể, bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng sẽ phải trải qua 3 pha gồm: Nhiễm cấp, phổi và miễn dịch.

Pha nhiễm cấp được tính trong khoảng 0-5 ngày đầu tiên kể từ khi khởi phát triệu chứng. Lúc này, SARS-CoV-2 bắt đầu tấn công cơ thể và nhân lên nhanh chóng. Virus có thể xuất hiện ở hầu hết dịch xét nghiệm. Do đó, tỷ lệ phát hiện dương tính rất cao.

Pha phổi sẽ diễn ra từ ngày thứ 5 đến 10 kể từ thời điểm phát hiện triệu chứng. Ở giai đoạn này, tải lượng virus sẽ giảm đáng kể, từ đó nhiều khả năng cho kết quả xét nghiệm âm tính.

Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn nCoV có thể tấn công vào phổi.

Giai đoạn cuối cùng là pha miễn dịch chủ yếu liên quan bệnh nhân viêm phổi ARDS, có sốc,... và phải điều trị tại các đơn vị hồi sức cấp cứu.

Như vậy, sau 10 ngày, bệnh nhân không có triệu chứng bất thường, chỉ số SpO2 (nồng độ oxy trong máu) ổn định, chúng ta mới hiểu SARS-CoV-2 không tấn công vào phổi và an tâm trở lại sinh hoạt bình thường.

Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng lưu ý nhóm có nguy cơ diễn biến nặng cao là người cao tuổi, mắc bệnh nền, chưa tiêm vaccine. Những trường hợp này cần theo dõi sát tình trạng sức khỏe, nhất là chỉ số SpO2 đến khi đủ 10 ngày.

Một số trường hợp khác sau 10 ngày khởi phát triệu chứng vẫn có kết quả dương tính với nCoV. Theo bác sĩ Phúc, việc âm tính hay dương tính sau khi test nhanh không phải vấn đề quá đáng lo nếu F0 đã trải qua đủ thời gian này.

Dù test nhanh vẫn dương tính với nCoV, bệnh nhân sau 10 ngày sẽ ít có nguy cơ diễn biến nặng. Về khả năng lây lan virus, các nghiên cứu đến nay cũng cho thấy sau 10 ngày kể từ thời điểm xuất hiện triệu chứng đầu tiên, nguy cơ lây SARS-CoV-2 rất thấp, gần như bằng không.

Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực cũng lưu ý mức độ đậm, nhạt của test nhanh chỉ có ý nghĩa xác định nồng độ và khả năng lây lan của virus. Chúng không liên quan tới khả năng diễn biến nặng.

Biến chủng Omicron chỉ xâm nhập tới cổ họng, không vào phổi?

Đây là một thông tin được lan truyền trong thời gian gần đây giúp nhiều người an tâm hơn khi mắc bệnh. Tuy nhiên, bác sĩ Phạm Văn Phúc khẳng định thông tin này hoàn toàn không chính xác.

Tất cả biến chủng của SARS-CoV-2 đều có khả năng xâm nhập, tấn công vào phổi. Omicron cũng không ngoại lệ. Virus này có thể tấn công vào mọi vị trí của cơ thể chứ không chỉ xâm nhập tới cổ họng.

Điểm khác nhau giữa Omicron và các biến chủng trước đó là mức độ diễn biến bệnh của F0. Các thống kê hiện tại cho thấy những người nhiễm nCoV biến chủng Omicron thường có triệu chứng nhẹ hơn so với trường hợp nhiễm Delta.

Các triệu chứng tiêu biểu khi bệnh nhân nhiễm Omicron là đau họng, ho, đau đầu, một số người tiêu chảy,... Trong khi đó, những trường hợp nhiễm biến chủng Delta thường có triệu chứng rầm rộ hơn, sốt cao,...

Tuy nhiên, một tỷ lệ bệnh nhân vẫn có nguy cơ diễn biến nặng, nguy kịch, thậm chí tử vong khi nhiễm biến chủng Omicron.

Omicron có nguy cơ bệnh diễn biến nặng với những người cao tuổi, mắc bệnh nền và chưa tiêm vaccine.

Yêu cầu quan trọng nhất với người mắc Covid-19 là theo dõi thường xuyên chỉ số SpO2. Việc chỉ số này xuống thấp đồng nghĩa bệnh nhân có nguy cơ tổn thương phổi và cần liên hệ cơ quan y tế ngay.

Nguồn UBND quận Ba Đình



Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 0/5 trong 0 đánh giá
Chia sẻ: