Tin tức - Sự kiện

Trang chủ Trang chủ

Bữa ăn gia đình của trẻ tại trường Mẫu giáo Số 2

18/02/2023
2846

Chăm sóc sức khỏe cho trẻ đảm bảo các chất dinh dưỡng giúp trẻ ăn ngon miệng, phát triển thể chất là mục tiêu mà nhà trường luôn quan tâm. Trường Mẫu giáo số 2 đã luôn chú trọng đến sức khỏe của trẻ và chất lượng thông qua các bữa ăn trong ngày. Mỗi bữa ăn tại trường trước hết phải đảm bảo sự đa dạng, phong phú, cân bằng dinh dưỡng, hương vị - màu sắc - mùi vị - cách chế biến phù hợp với trẻ nhỏ. Bữa ăn gia đình mang ý nghĩa thật sự quan trọng sau giờ làm việc. Ngoài ra, giờ ăn là thời gian mà các cháu của từng lớp có thể tương tác, quan tâm chăm sóc nhau trong không khí quây quần ấm áp. Thông qua giờ ăn, trẻ được trải nghiệm, biết tự phục vụ bản thân và hỗ trợ bạn, tự chia cơm, tự lấy thức ăn, tự mình ăn hết suất một cách vui vẻ và thân thiện.

Nhằm giúp trẻ biết được như thế nào là bữa ăn gia đình và hình thức bữa ăn gia đình ra sao? Bữa ăn gia đình có ý nghĩa gì? Để giúp trẻ trả lời các câu hỏi trên thông qua việc trải nghiệm thực tế, mỗi tuần 1 lần, luân phiên từng lớp các bé mẫu giáo lớn sẽ được trải nghiệm bữa ăn gia đình. Qua thực hiện các thao tác tự lấy cơm vào bát cho mình, cho bạn, tự lấy thức ăn mình thích, lựa chọn món ăn theo ý thích, đã giúp trẻ có được những kỹ năng cần thiết trong ăn uống.

Thông qua bữa ăn gia đình, trẻ học được những kĩ năng sống cần thiết như sự chủ động trong việc chọn món ăn phù hợp với sở thích và sức khỏe của mình, nề nếp văn minh trong bàn ăn qua cách sử dụng thành thạo các dụng cụ ăn uống hay tính tự lập qua việc tự phục vụ bản thân. Quan trọng hơn, trẻ đã hiểu được để có bữa cơm như thế này là nhờ công sức của các cô, cũng như thể hiện sự biết ơn đối với các cô nhân viên nuôi dưỡng, các cô giáo, các cô nhân viên phục vụ, biết trân trọng các món ăn ngon bổ dưỡng thể hiện qua những hành động như ăn hết các thức ăn trên bàn, không làm rơi, đổ hoặc để thừa thức ăn. Thông qua giờ ăn, giáo dục trẻ các hành vi văn minh trong ăn uống như: Không giành ăn với bạn, gắp đồ ăn cho bạn, giúp bạn lấy cơm, không làm rơi thức ăn trên bàn, khi hắt hơi phải biết che miệng hoặc quay ra ngoài... Chính thái độ của trẻ đối với những điều đơn giản hằng ngày trong bữa ăn gia đình sẽ dần trở thành thói quen. Từ đó, trẻ hình thành kỹ năng tự phục vụ, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh cá nhân, thể hiện qua những hành động cụ thể như: Biết sắp xếp bàn ăn, rửa tay trước khi ăn, chuẩn bị khăn, dọn cất bát, thìa, muôi sau khi ăn, xúc miệng nước muối sau khi ăn... tôn trọng những giá trị của thế giới xung quanh mình.

Bữa cơm trưa hôm nay (ngày 16/02/2023) của các con có các món:

  • Thịt gà lợn xào ngũ sắc
  • Canh riêu cá thịt
  • Tráng miệng sữa chua

Một số hình ảnh thực tế bữa ăn gia đình tại lớp MG lớn A1 và A2 trường Mẫu giáo số 2:

Các bạn nhỏ rửa tay sạch sẽ trước khi ăn.

Các bạn bàn trưởng tự chuẩn bị và đếm bát đũa cho đủ số lượng cho các bạn tại bàn mình. Ngoài ra, các cô giáo thực hiện nghiêm túc việc chia ăn theo đúng khẩu phần, định lượng cho các con

Các bạn nhỏ làm quen với cách cầm đũa và gắp thức ăn

Sau khi ăn, các bạn nhỏ sẽ lau miệng và súc miệng nước muối bằng cốc có kí hiệu riêng

Trong không khí vui vẻ, trẻ rất thích thú trong giờ ăn và ăn ngon miệng. Trẻ được tạo không khí thoải mái, tự nhiên, kích thích trẻ ăn đủ lượng nhưng không quá tập trung vào việc ép buộc trẻ phải ăn hết suất mà cho trẻ ăn theo nhu cầu. Bên cạnh đó tận dụng mọi điều kiện, cơ hội giáo dục trẻ các kỹ năng cần thiết, thói quen văn minh, văn hóa, có như vậy việc tổ chức bữa ăn cho trẻ mầm non mới đạt hiệu quả cao.

BAN TRUYỀN THÔNG TRƯỜNG MẪU GIÁO SỐ 2

Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 4/5 trong 502 đánh giá
Chia sẻ: